Bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long: Cần sự chung tay từ nhiều phía

Với những giá trị di sản thiên nhiên ngoại hạng toàn cầu đã được UNESCO hai lần công nhận, Vịnh Hạ Long mang vị trí quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và TP Hạ Long. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp to lớn cho ngành du lịch nói riêng, sự phát triển và hiện đại hóa của địa phương nói chung, việc khai thác, bảo tồn, bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long cũng đang đặt ra nhiều thách thức đòi hỏi sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các cấp, ngành, địa phương để phát triển di sản thiên nhiên thế giới theo hướng bền vững.

Chai đựng nước uống bằng thuỷ tinh được các điểm dịch vụ, tàu du lịch sử dụng để hạn chế rác thải nhựa trên Vịnh Hạ Long. Ảnh: Ngọc Mai

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã có sự quan tâm, nỗ lực đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn di sản Vịnh Hạ Long và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, làm thay đổi và chuyển biến tích cực đối với các cấp chính quyền, nhân dân, doanh nghiệp và khách du lịch. Theo đó, tại các hang động, điểm tham quan, khu vực từ bến cập tàu, trên đường dẫn khách tham quan được bố trí thùng rác có nắp đậy, đảm bảo vệ sinh, thẩm mỹ. Rác thải trên bờ hay rác trên mặt nước được nhân viên vệ sinh thu gom thường xuyên và vận chuyển ra ngoài đầu bến vào cuối ngày để đơn vị phụ trách thu gom, vận chuyển về bờ xử lý. Lắp đặt hệ thống xử lý nước thải theo công nghệ hiện đại tại các điểm tham quan, đảm bảo tiêu chuẩn trước khi thải ra Vịnh Hạ Long. Đặc biệt chương trình “Vịnh Hạ Long không rác thải nhựa” với nội dung không sử dụng các sản phẩm từ nhựa dùng một lần trong các hoạt động dịch vụ, du lịch trên Vịnh cũng được triển khai hiệu quả. Cùng với đó là tổ chức thường xuyên các đợt ra quân thu gom rác thải trên và ven bờ Vịnh Hạ Long; thực hiện kiểm tra, giám sát các hoạt động có nguy cơ ảnh hưởng tới các giá trị, tài nguyên, môi trường và giám sát chất lượng môi trường Vịnh Hạ Long; phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước cùng tham gia công tác bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long… Qua đó đã giúp giảm 90% lượng rác thải nhựa dùng một lần phải thu gom tại các điểm tham quan trên Vịnh, thay thế được 94% phao xốp trên các công trình nổi trên Vịnh.

Tuy nhiên, do là vùng biển đảo rộng lớn, tiếp giáp nhiều khu đô thị, dân cư lớn và khu vực ven bờ có nhiều hoạt động KT-XH nên công tác bảo tồn Di sản vẫn còn nhiều bất cập. Một trong những tồn tại, hạn chế lớn nhất hiện nay là rác thải, nước thải chưa qua xử lý từ các khu đô thị, dân cư của Hạ Long, Cẩm Phả, Quảng Yên, Vân Đồn, Cát Bà đang xả trực tiếp ra Vịnh. Thống kê cho thấy, tỷ lệ thu gom xử lý nước thải của TP Hạ Long mới đạt 45%, TP Cẩm Phả chỉ đạt 5,6%, huyện Vân Đồn đạt 23,5%, TX Quảng Yên đạt 10%.

Phao xốp thải từ hoạt động NTTS trôi nổi trên Vịnh Hạ Long.

Việc buông lỏng kiểm soát, thiếu quan tâm đến hoạt động NTTS của một số địa phương xung quanh khu vực Vịnh Hạ Long cũng khiến cho lượng rác thải, đặc biệt là phao xốp trôi nổi trên mặt Vịnh. Chỉ tính riêng tháng 4/2023, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã phải thu gom hơn 10.000m3 phao xốp và bè mảng trôi nổi trên Vịnh. Đặc biệt, hàng năm Vịnh Hạ Long đón hàng triệu lượt khách tham quan, các hoạt động kinh doanh du lịch, sinh hoạt và sản xuất của các tàu du lịch, tàu đánh cá cũng đang là những nguồn gây ô nhiễm trực tiếp cho Vịnh Hạ Long. Với hơn 500 tàu du lịch hoạt động và có lưu trú nghỉ đêm trên Vịnh, công tác quản lý xả thải của các tàu du lịch được coi là vấn đề thách thức lớn nhất khi mới chỉ có khoảng 50/503 tàu du lịch có hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt, còn hệ thống xử lý nước thải la canh thì hoạt động ngày càng kém hiệu quả. Với những tàu thuyền đánh cá thì gần như mọi rác thải, nước thải đều được ngư dân xả thải trực tiếp xuống mặt Vịnh.

Bên cạnh đó, các công trình dự án ven bờ, đặc biệt tại khu vực vùng đệm Di sản nhiều công trình chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật, đặc biệt là quy định về bảo tồn Di sản; ô nhiễm tại các cảng biển, khu công nghiệp, khai thác than chưa được kiểm soát đầy dủ (ô nhiễm dầu, dăm gỗ, nước thải than trên Vịnh)... đã  ảnh hưởng trực tiếp đến cảnh quan, suy giảm đa dạng sinh học, phá hủy các hệ sinh thái đáy, đặc biệt là hệ sinh thái rạn san hô… dẫn đến Trung tâm Di sản thế giới (UNESCO) nhiều lần gửi công hàm khuyến nghị về công tác bảo vệ môi trường Di sản...

Tàu du lịch đưa khách tham quan, tắm biển trên đảo Ti Tốp.

Ông Nguyễn Trung Hậu, Phó Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, chia sẻ: Ban Quản lý là đơn vị sự nghiệp chỉ thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo tồn di sản, không có chức năng thanh tra, xử lý vi phạm trên Vịnh Hạ Long. Trong khi đó, các nguồn gây ô nhiễm môi trường trên Vịnh lại phần lớn xuất phát từ các khu vực ven bờ, ngoài phạm vi quản lý của đơn vị nên không thể hoặc khó triển khai các hoạt động ngăn ngừa, giám sát. Để nâng cao công tác bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long, TP Hạ Long cần giao trực tiếp công tác chủ trì các vấn đề ảnh hưởng đến Di sản theo từng lĩnh vực cho các đơn vị chuyên môn của thành phố. Đồng thời, thành phố cần tăng cường công tác thu gom rác thải tại khu vực ven bờ Vịnh, nhất là khu vực Vịnh Cửa Lục và các cống thải chảy ra Vịnh, lắp đặt lưới chắn rác thu gom rác thải ở cửa cống; sớm đầu tư, xây dựng và hoàn thiện hệ thống thu gom xử lý nước thải; giám sát hoạt động xả thải của các khu đô thị, cơ sở kinh doanh dịch vụ; xử lý triệt để những vi phạm tại các khu vực NTTS trái phép; yêu cầu các chủ tàu du lịch tuân thủ quy định về quản lý chất thải. Thành phố cũng cần đưa vào chương trình đầu tư công sử dụng nguồn vốn từ phí tham quan các dự án để bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long như: Dự án thu gom, vận chuyển rác thải trên Vịnh; Dự án xử lý, giảm thiểu ô nhiễm nước thải sinh hoạt tại các điểm tham quan trên Vịnh… Tuy vậy, để Vịnh Hạ Long - Di sản thiên nhiên thế giới luôn là điểm du lịch hấp dẫn thì cần có sự chung tay của các cấp chính quyền, người dân, du khách và cả cộng đồng trong nỗ lực giữ lại màu xanh cho Di sản.

Theo Báo Quảng Ninh

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 2850