Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu
Tết Trung thu đang đến gần, nhu cầu tiêu dùng các loại bánh, kẹo, đặc biệt là bánh trung thu tăng cao. Để đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), giúp mọi người dân được đón Tết Trung thu trong niềm vui trọn vẹn, tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm đến công tác đảm bảo vệ sinh ATTP dịp này.
Đến hẹn lại lên, vào dịp Tết Trung thu, các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm bánh trung thu, bánh kẹo, hoa quả các loại… đều tăng cường hàng hóa phục vụ nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh các sản phẩm của những nhà sản xuất có uy tín thì vẫn có các cơ sở sản xuất, kinh doanh không đảm bảo ATTP làm ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe của người tiêu dùng. Mới đây, Cục ATTP, Bộ Y tế đã có văn bản gửi các địa phương, nêu rõ: Tết Trung thu đang đến gần, nhu cầu tiêu dùng các loại bánh, kẹo, đặc biệt là bánh trung thu tăng đột biến, bên cạnh các cơ sở sản xuất kinh doanh có uy tín, sản phẩm bảo đảm an toàn cũng còn một số tổ chức, cá nhân có hành vi lén lút đưa ra thị trường một số loại bánh kẹo nhập lậu, không có nguồn gốc, xuất xứ…
Trước thực trạng này, để bảo đảm ATTP, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trong tình hình mới; Kế hoạch số 280-KH/TU ngày 27/3/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tăng cường bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới; Kế hoạch số 143/KH-UBND ngày 30/5/2023 của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 17- CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư.
Đặc biệt, tỉnh yêu cầu các sở: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật ATTP. Đồng thời, chủ động triển khai các hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, tập trung ưu tiên các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm truyền thống sản xuất tại các làng nghề, cơ sở nhỏ lẻ... Qua đó, kịp thời truy xuất nguồn gốc, thu hồi các sản phẩm không đảm bảo ATTP, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng, nếu có dấu hiệu hình sự đề nghị chuyển cơ quan công an để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Cùng với đó, UBND tỉnh cũng yêu cầu Cục Quản lý thị trường tỉnh, Công an tỉnh, Cục Hải quan tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm của tổ chức, cá nhân có hoạt động vận chuyển, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, dụng cụ bao gói chứa đựng thực phẩm trái phép qua biên giới, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo ATTP lưu thông trên thị trường.
Hiện nay, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã và đang đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục truyền thông về ATTP trong dịp Tết Trung thu. Đặc biệt là thông tin, tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn nghiêm túc chấp hành đúng các quy định pháp luật về ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, hướng dẫn cho người dân về cách lựa chọn, sử dụng, bảo quản thực phẩm an toàn.
Tuy nhiên, để bảo đảm ATTP trong mùa trung thu, người tiêu dùng là một nhân tố quan trọng có tính quyết định. Chính vì vậy, người tiêu dùng cần thông thái lựa chọn các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng và sử dụng thực phẩm có nguồn gốc đảm bảo vệ sinh ATTP, không nên ham rẻ mà mua loại bánh trung thu, bánh kẹo, hoa quả… trôi nổi, không rõ nguồn gốc, tem mác. Đồng thời, kịp thời phát hiện, cung cấp cho cơ quan chức năng thông tin liên quan đến các cơ sở, tổ chức, cá nhân có hành vi phạm tội và vi phạm pháp luật về vệ sinh ATTP.
Theo Báo Quảng Ninh