Tăng cường quản lý, khai thác tài nguyên thiên nhiên
Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về khai thác tài nguyên thiên nhiên trên địa bàn Quảng Ninh được các cấp uỷ, chính quyền tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đạt được những kết quả tích cực. Quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn ngày càng đi vào nền nếp; hoạt động khai thác khoáng sản đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế chung của tỉnh, đáp ứng nguyên vật liệu phục vụ hạ tầng kỹ thuật cho các dự án đầu tư trọng điểm...
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy kiểm tra phương án sử dụng đất đá thải mỏ phục vụ san lấp các dự án, tại khu vực Cảng Làng Khánh (TP Hạ Long). Ảnh: Phạm Tăng
Ngay những ngày đầu năm, tỉnh chỉ đạo siết chặt và nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, đất đai; tập trung rà soát quỹ đất tại những địa phương trọng điểm, các KCN, KKT, đô thị, các khu vực gắn với hệ thống giao thông động lực như: Quỹ đất hai bên tuyến cao tốc từ cầu Bạch Đằng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái; đường bao biển nối TP Hạ Long với TP Cẩm Phả; đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều...
Từ năm 2022 đến nay, tỉnh đã triển khai cho các tổ chức thuê 280,09ha đất; giao 891,22ha đất cho 41 tổ chức; gia hạn thời gian sử dụng 466,64ha đất cho 34 tổ chức; thu hồi 969,81ha đất của 18 tổ chức; thông báo hết hạn sử dụng đối với 28 tổ chức để hoàn thiện thủ tục gia hạn, trả đất theo quy định của pháp luật đất đai. Cùng với đó, tỉnh đã ký 60 hợp đồng cho thuê đất, bao gồm cả ký lại do điều chỉnh đơn giá thuê đất; phê duyệt giá đất cụ thể 35 dự án nhằm góp phần đẩy nhanh tiến độ GPMB và thu NSNN.
Trình HĐND tỉnh thông qua 4 nghị quyết về danh mục công trình, dự án Nhà nước thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng và hủy bỏ danh mục các dự án, công trình chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất đã được thông qua quá 3 năm chưa có quyết định thu hồi, chưa được phép chuyển mục đích sử dụng. Ngoài ra, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh sửa đổi một số nội dung của bảng giá đất trên địa bàn Quảng Ninh phù hợp với tình hình thực tế địa phương.
Trong công tác quản lý, sử dụng tài nguyên nước và khai thác, sử dụng khoáng sản, điện năng, từ đầu năm 2022 đến nay, UBND tỉnh đã cấp mới, gia hạn, điều chỉnh 17 giấy phép lĩnh vực tài nguyên nước và 4 quyết định phê duyệt tiền cấp quyền về lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản; ban hành kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản, quyết định phê duyệt giá khởi điểm, bước giá, tiền đặt trước để triển khai thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản đất làm vật liệu san lấp mặt bằng khu vực đồi tại thôn 7, xã Hải Tiến (TP Móng Cái) và khu vực đồi tại khu 7, phường Hải Yên (TP Móng Cái).
Đồng thời, điều chỉnh giấy phép khai thác khoáng sản cho Công ty CP Sản xuất và Thương mại Than Uông Bí, Công ty CP Sản xuất vật liệu xây dựng Kim Sơn, Công ty CP Thanh Tuyền Group, Công ty TNHH MTV Thủy lợi miền Đông lập hồ sơ cấp giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt các hồ, đập do đơn vị quản lý, khai thác; chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập Quảng Ninh điều chỉnh đề cương dự toán nhiệm vụ "Lập hồ sơ cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước tại các công trình hồ chứa, đập dâng, kênh thủy lợi".
ĐVTN ngành Than tham gia trồng cây tại Khu vực mặt bằng +82 Đông Nam khai trường mỏ, Công ty CP Than Cọc Sáu. Ảnh: Phạm Tăng
UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng đề cương và dự án Điều tra, đánh giá tiềm năng sử dụng cát đá thải (ngành than), tro xỉ thải (ngành điện), một số loại chất thải rắn công nghiệp thông thường (trong các KCN, CCN, cơ sở sản xuất công nghiệp) và đề xuất giải pháp tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải rắn công nghiệp. Dự án này góp phần sử dụng tiết kiệm hiệu quả tài nguyên, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn tại địa phương.
Còn từ đầu năm 2023 đến nay, thực hiện công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên khoáng sản, tỉnh đã ban hành 2 quyết định cấp quyền thuộc lĩnh vực tài nguyên nước; trình Bộ TN&MT hướng dẫn UBND tỉnh phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đất đá thải mỏ than Suối Lại. Đồng thời, tiếp tục triển khai các bước để gia hạn giấy phép các mỏ than: Tây Lộ Trí, Dân Chủ - Quảng La, Tây Bắc Ngã Hai, Cao Sơn, Mạo Khê; có phương án khai thác, thu hồi đất đá thải mỏ Nam Tràng Bạch; xây dựng kế hoạch và đề cương Đề án tổng thể bảo đảm nguồn vật liệu san lấp đến năm 2025...
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 72/QĐ-TTg (ngày 10/2/2023) phê duyệt Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040 và Quyết định số 80/QĐ-TTg (ngày 11/2/2023) phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây cũng là cơ hội để Quảng Ninh tiếp tục vươn lên, tạo những nền móng mới cho phát triển KT-XH, siết chặt hơn nữa công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn.
Ngoài ra, tỉnh kiên quyết chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế qua các cuộc kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán đã chỉ ra liên quan đến công tác quản lý, sử dụng đất đai và chỉ đạo thực hiện kiểm tra việc thực hiện sau kết luận thanh tra. Đồng thời, quan tâm chỉ đạo rà soát, xử lý các dự án đầu tư có sử dụng đất, mặt nước chậm tiến độ, vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh và kết quả thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán...
Nguồn Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh