TP Hạ Long: Nhân rộng mô hình Chợ 4.0

Mô hình Chợ 4.0 đã được thực hiện tại nhiều địa phương trong cả nước từ vài năm nay và ngày càng chứng minh tính hiệu quả, tiện lợi, phù hợp với xu thế phát triển, hội nhập quốc tế. Mô hình Chợ 4.0 cũng là một trong những mục tiêu xây dựng kinh tế số, đã và đang được thành phố Hạ Long tích cực triển khai.

ừ tháng 8/2022, thành phố Hạ Long bắt đầu triển khai mô hình “Chợ 4.0 – Thanh toán không dùng tiền mặt” tại các chợ: Hạ Long I, Hạ Long II, Cái Dăm. Thay vì sử dụng tiền mặt để mua bán như trước, giờ đây tiểu thương và khách hàng có thể mua bán hàng hóa bằng việc quét mã QR hoặc chuyển tiền qua ứng dụng trên điện thoại một cách nhanh chóng, an toàn và bảo mật.

Tuy mới triển khai chưa lâu, nhưng nhiều tiểu thương và người dân thường mua hàng tại các chợ nêu trên đều cảm thấy sự thuận tiện của phương thức này. Chị Phạm Thị Hòa (phường Bãi Cháy, TP Hạ Long) chia sẻ: “Tôi thấy cách thức thanh toán không dùng tiền mặt như hiện nay rất thuận tiện. Mỗi khi đi chợ tôi chỉ cần mang theo điện thoại, vừa gọn nhẹ vừa tiện lợi; không lo quên ví hay đi chợ mà mang đủ tiền”.

Chị Nguyễn Thu Hiền, tiểu thương tại chợ Cái Dăm (phường Bãi Cháy, TP Hạ Long) cũng cho biết: “Ngày càng có nhiều khách hàng chọn thanh toán không dùng tiền mặt. Đa số mọi người muốn chuyển khoản hoặc quét mã QR để thanh toán. Tôi thấy như vậy rất tiện cho cả người mua và người bán hàng như chúng tôi, vừa đỡ phải giữ một khoản tiền lớn trong người rất không an toàn, lại không phải lo chuẩn bị tiền lẻ để trả lại cho khách”.

Khách hàng thanh toán ko dùng tiền mặt tại chợ Cái Dăm

Từ thành công ban đầu tại 3 chợ nêu trên; đồng thời nhằm từng bước đưa phương thức thanh toán số trở thành công cụ thanh toán chủ yếu trong quá trình giao dịch mua bán hàng hóa của người dân, thành phố Hạ Long đã xây dựng kế hoạch triển khai mô hình Chợ 4.0 thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn thành phố năm 2023 với mục tiêu đặt ra là 100% các chợ trên địa bàn triển khai mô hình Chợ 4.0.

Thành phố cũng phấn đấu 100% các tiểu thương/hộ kinh doanh tại các chợ trên địa bàn có mã QR để thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt để trước cửa hàng trong chợ; 100% các chợ thực hiện thu các khoản thu dịch vụ của chợ (thu phí, tiền điện, thuê vị trí…) và chi trả lương cho cán bộ, nhân viên hưởng lương tại chợ bằng hình thức không dùng tiền mặt; Phấn đấu số giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ trong năm 2023 đạt trên 70%; 100% các tiểu thương/hộ kinh doanh tại các chợ nộp thuế theo phương pháp kê khai thuế có tài khoản giao dịch thuế điện tử, kê khai thuế điện tử đạt 100%.

Để đạt được mục tiêu trên, UBND các xã, phường sẽ phối hợp với các ngân hàng, đơn vị viễn thông trên địa bàn tích cực hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh mở tài khoản, sử dụng mã QR của tài khoản ngân hàng và các ví điện tử (VNPay, MoMo, ZaloPay, ViettelPay, ShopeePay, VCBPay,…) để thực hiện thanh toán các giao dịch trên điện thoại; in mã QR cho các cá nhân và tổ chức kinh doanh tại các chợ.

Nhân viên Viettel Quảng Ninh hướng dẫn khách hàng cài đặt ứng dụng Viettel Money để thanh toán không dùng tiền mặt

Thành phố cũng sẽ hỗ trợ xây dựng website quảng bá, xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia Chương trình OCOP (mỗi xã, phường một sản phẩm) trên địa bàn thành phố Hạ Long nhằm quảng bá sản phẩm OCOP của địa phương tới người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, giúp các đơn vị mở rộng thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh phát triển sản xuất, phù hợp với xu thế mua sắm onlie. Đồng thời phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan hỗ trợ đưa các tổ chức và cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn lên các sàn giao dịch điện tử: Teqni.gov.vn, Postmart.vn, Voso.vn, Onlinefriday.vn và dứng dụng Online Friday trên các nền tảng di động.

Phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, đoàn viên thanh niên khởi nghiệp và người dân trên địa bàn tập huấn nghiệp vụ quản trị gian hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử nhằm phát triển nguồn nhân lực thực hiện thương mại điện tử và nâng cao nhận thức của cộng đồng về thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt.

Phối hợp tổ chức kết nối giữa doanh nghiệp thương mại điện tử với doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh truyền thống… nhằm tạo nên chuỗi sản xuất, kinh doanh thành hệ thống chuyên nghiệp, tăng cường sự hợp tác trong cộng đồng doanh nghiệp, hộ kinh doanh tại các chợ; củng cố, nâng cao niềm tin của người tiêu dùng đối với giao dịch thương mại điện tử. Đồng thời, nâng cao tỷ lệ dân số tham gia mua sắm trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt.

Mặc dù có rất nhiều tiện ích, song việc triển khai mô hình Chợ 4.0 hiện nay vẫn chưa được triển khai rộng rãi do nhiều người chưa hiểu hoặc chưa thành thạo các phương thức thanh toán mới. Đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, đa số người dân thu nhập thấp, ít được tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng, việc thanh toán bằng tiền mặt đã thành thói quen số tiền thanh toán mỗi lần mua-bán không nhiều.

Vì vậy, để đẩy mạnh hình thức mua sắm trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt; các cơ quan chức năng của thành phố và UBND các xã, phường cũng cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt, từng bước thay đổi thói quen mua sắm, hành vi tiêu dùng của người tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại; sử dụng các ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, hộ kinh doanh cá thể và tiểu thương trên địa bàn các chợ. Đồng thời tuyên truyền về các thủ đoạn lừa đảo, đánh cắp thông tin, tài khoản ngân hàng để các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể và các tầng lớp nhân dân chủ động nâng cao cảnh giác, tránh bị lợi dụng, lừa đảo.

Phương Loan

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 283