Người có công với cách mạng ở Quảng Ninh được hỗ trợ chính sách

Ông Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh cho biết, tỉnh xác định việc chăm lo cho người có công với cách mạng không chỉ là tình cảm mà còn là trách nhiệm, đạo lý tri ân với các thế hệ đi trước.

 

Người có công với cách mạng luôn được quan tâm, chăm sóc

Quảng Ninh là một trong những tỉnh đi đầu trong công tác chăm sóc người có công. Từ năm 2012, ngoài chính sách của Trung ương, tỉnh còn hỗ trợ nguồn kinh phí 1,4 triệu đồng cho mỗi thương, bệnh binh, người có công của tỉnh đến điều dưỡng tập trung tại Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh. Trong 10 năm qua, tỉnh đã hỗ trợ trên 18 tỷ đồng cho hàng nghìn lượt người có công đi điều dưỡng tập trung. 

Anh bai NCC Quang Ninh.jpg
Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh thăm và tặng quà tri ân chiến sĩ Điện Biên, thương binh Trần Văn Đào nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có khoảng 12.000 người có công với cách mạng và thân nhân đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Bên cạnh việc thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chính sách, chế độ theo quy định chung, tỉnh còn ban hành các nghị quyết riêng với nhiều chính sách đặc thù, hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương để thực hiện hỗ trợ, chăm lo cho người có công với cách mạng. 

Năm 2023, Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh khóa XIV thông qua Nghị quyết số 23/2023/NQ-HĐND ngày 8/12/2023 quy định chính sách hỗ trợ một số đối tượng người có công với cách mạng và thân nhân trên địa bàn tỉnh (có hiệu lực từ ngày 1/1/2024). 

Theo đó, ngoài mức hỗ trợ do ngân sách Trung ương đảm bảo, tỉnh hỗ trợ thêm tiền điều dưỡng phục hồi sức khỏe đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ theo niên hạn điều dưỡng hằng năm và 2 năm một lần.

Nếu điều dưỡng tập trung tại Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh được nâng mức hỗ trợ tiền ăn từ 1,4 triệu đồng/người/lần lên 1,8 triệu đồng/người/lần. Hỗ trợ tổ chức thăm quan các di tích lịch sử, văn hóa ở các địa phương trong nước theo chi phí thực tế, nhưng tối đa không quá 1,35 triệu đồng/người/lần (trước đây là 900.000 đồng/người/lần). Người có công điều dưỡng tại nhà được hỗ trợ tiền ăn 900.000 đồng/người/lần (trước đây là 700.000 đồng/người/lần).

Đối với các đối tượng thương binh, người hưởng chính sách như thương binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% đến 80%; bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% đến 80%; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% đến 80%; người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày còn được tỉnh hỗ trợ điều dưỡng trong năm mà đối tượng không thực hiện điều dưỡng theo chính sách của Trung ương (theo quy định của Trung ương đối tượng này được điều dưỡng 2 năm/lần). 

Khi thực hiện điều dưỡng, đối tượng được tỉnh hỗ trợ kinh phí bằng tổng kinh phí theo mức của Trung ương và của tỉnh, như đối với đối tượng được điều dưỡng theo niên hạn do Trung ương quy định (Điều dưỡng tập trung tại Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Quảng Ninh được hỗ trợ bằng 1,8 lần mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng; tiền phục vụ công tác điều dưỡng, đón tiếp tại Trung tâm Điều dưỡng tối đa không quá 500.000 đồng/người/lần, hỗ trợ tiền ăn 1,8 triệu đồng/người/lần; tiền tổ chức thăm quan các di tích lịch sử, văn hóa ở các địa phương 1,35 triệu đồng/người/lần. Điều dưỡng tại nhà bằng 0,9 lần mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng và hỗ trợ tiền ăn 900.000 đồng/người/lần).  

Cũng theo Nghị quyết số 23/2023/NQ-HĐND, tỉnh hỗ trợ thêm hằng tháng đối với người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp, phụ cấp. Hỗ trợ BHYT cho thân nhân là vợ hoặc chồng của thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 60% trở xuống; thân nhân là vợ hoặc chồng của người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù đày... 

Công tác hỗ trợ nhà ở cho người có công hoàn thành vượt mức

Phát huy truyền thống “Uống nước, nhớ nguồn”, tỉnh Quảng Ninh cũng quan tâm, chăm lo toàn diện việc hỗ trợ người có công về nhà ở. 

Từ năm 2013 - 2021, Quảng Ninh đã triển khai và hoàn thành 3 giai đoạn của Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ, với tổng số 12.322 hộ được hỗ trợ về nhà ở (6.467 hộ xây mới, 5.855 hộ sửa chữa); tổng kinh phí hơn 489 tỷ đồng. Qua đó, đưa Quảng Ninh trở thành địa phương hoàn thành Đề án 22 sớm nhất cả nước, vượt 20% số hộ được hỗ trợ so với đề án đã được Bộ LĐ-TB&XH thẩm định. 

Mới đây, Quảng Ninh tiếp tục triển khai thực hiện Đề án Hỗ trợ nhà ở cho 649 người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn tỉnh năm 2023, trong đó 201 hộ được hỗ trợ xây mới và 448 hộ sửa chữa nhà ở với tổng kinh phí 34,6 tỷ đồng. Tính đến tháng 4/2024, đã có 478 hộ đã thi công nhà ở (đạt 74% kế hoạch), kinh phí đã hỗ trợ 21,6 tỷ đồng (đạt 62% kế hoạch). Nhiều địa phương như: Vân Đồn, Ba Chẽ, Tiên Yên, Hải Hà, Móng Cái đã hoàn thành 100% so với kế hoạch của tỉnh đề ra. 

Những hoạt động thiết thực nêu trên trong công tác chăm lo cho người có công ở Quảng Ninh đã trở thành nguồn động viên to lớn, giúp các đối tượng chính sách vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống. 

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 100