Quảng Ninh: Huyện Cô Tô nói không với rác thải nhựa
Thời gian qua, chính quyền và nhân dân huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện nhiều giải pháp làm sạch các bãi biển và môi trường sinh thái. Trong đó, đề án “Huyện Cô Tô nói không với rác thải nhựa” đã mang lại nhiều tín hiệu tích cực, tạo sức lan tỏa góp phần bảo vệ môi trường vùng biển đảo.
Vào mùa hè, trung bình mỗi ngày Cô Tô đón khoảng hơn 2.000 khách du lịch đến tham quan, du lịch. Ngày cao điểm, huyện đảo này đón trên 5.000 khách, bằng dân số toàn huyện. Theo thống kê sơ bộ, mỗi ngày huyện phát sinh từ 10-12 tấn rác, trong đó có khá nhiều rác thải nhựa. Đây là áp lực rất lớn với địa phương vì năng lực xử lý rác thải còn hạn chế.
Trước thực trạng trên, ngày 4/6/2021, Huyện ủy Cô Tô đã thực hiện quyết định phê duyệt Đề án “Huyện đảo Cô Tô không có rác thải nhựa” gắn với tuyên truyền, vận động khách du lịch không mang túi nilon, đồ nhựa dùng một lần khi thăm quan, du lịch tại huyện đảo. Thời điểm thực hiện bắt đầu từ ngày 1/9/2022.
Khối Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội huyện phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị được phân công nhiệm vụ thực hiện Đề án “Huyện Cô Tô nói không với rác thải nhựa” đã tổ chức tuyên truyền trực tiếp đến các hộ gia đình, các nhà hàng, khách sạn, tiểu thương, các cơ quan, đơn vị... trên địa bàn cam kết chung tay cùng huyện và toàn xã hội nỗ lực thực hiện nhằm giảm thiểu rác thải nhựa bằng các hành động thiết thực: Nói không với túi nilon truyền thống, các sản phẩm nhựa sử dụng một lần; khuyến khích sử dụng các sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy hoạt động kinh doanh và sinh hoạt... bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Bên cạnh việc nâng cao nhận thức của người dân, du khách nhằm giảm thiểu rác thải nhựa xâm hại môi trường huyện đảo. Các cấp, ngành và đoàn thể huyện Cô Tô đã chung tay với nhiều mô hình hoạt động hiệu quả, như: Các tổ tự quản ở các thôn, khu; các nhóm hộ gia đình để quản lý rác thải nhựa; bố trí thùng rác tại các điểm công cộng tiêu biểu phong trào “Biến rác thành tiền”, “Ủ phân hữa cơ” do Hội phụ nữ phát động mang lại hiệu quả cao thu hút hầu hết các chi hội tham gia; phong trào “Tiếng trống sạch trường”, phong trào “Kế hoạch nhỏ”, “Đoạn đường em chăm” của các trường học; phong trào tổng vệ sinh thứ 5 hàng tuần gắn với huy động đông đảo nhân dân tham gia; các tuyến đường được giao đảm nhận thường xuyên cắt cỏ, tỉa cây, dọn vệ sinh môi trường giữ gìn cảnh quan môi trường xanh - sạch – đẹp.
Từ đầu năm 2023 đến nay, các đơn vị đã phối hợp tổ chức 02 đợt tuyên truyền, vận động, thay thế sản phẩm thân thiện cho du khách và nhân dân tại cảng Ao Tiên khi ra huyện Cô Tô thăm thân, thanh minh, du lịch (đợt 1: ngày 01/4; đợt 2: từ ngày 28/4 đến 02/5/2023).
Có thể thấy, sau gần một năm triển khai thực hiện, Đề án đã mang lại những hiệu quả tích cực trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tạo sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân trong việc sử dụng túi nilon và rác thải nhựa một lần, cụ thể: Đại đa số các hộ dân đều chấp hành cam kết thực hiện Đề án “Huyện đảo Cô Tô không có rác thải nhựa” nhất là việc phân loại rác thải tại hộ gia đình; thay thế túi nilon thân thiện trong hoạt động kinh doanh. Rác thải tại một số nơi công cộng, khu vui chơi được thu gom triệt để; sự đồng thuận, ý thức của khách du lịch khi ra đảo trong tham gia bảo vệ môi trường đã được nâng lên; rác thải bãi biển được thu gom tối đa; rác thải được phân loại tại các hộ gia đình, nhận thức và cách làm về phân loại rác thải tại các hộ gia đình đã được nâng lên.
Ông Nguyễn Việt Dũng - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô chia sẻ: Để phát triển du lịch bền vững cho huyện đảo, gần 1 năm nay, Cô Tô đã vận động du khách không mang theo túi nylon, đồ nhựa dùng một lần khi đến đảo tham quan, du lịch. Ngay từ bến tàu, khách sẽ được nhận và hướng dẫn sử dụng túi giấy, túi sinh học thân thiện với môi trường nên lượng rác thải nhựa như chai lọ, túi nylon sử dụng một lần trên đảo giảm tới 50%. Dù vậy vẫn còn một số người chưa có ý thức bảo vệ môi trường, nhất là ngư dân trên một số tàu cá.
“Hiện nay chúng tôi đang gặp khó khăn là còn rất nhiều tàu đánh bắt cá, tàu vận tải chưa có thói quen sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường và vẫn xả thải trực tiếp xuống biển. Và cứ mỗi đợt gió mùa về, rác từ phía Móng Cái, Trung Quốc lại dạt vào đảo. Vì vậy, chúng tôi rất cần sự hợp tác không chỉ riêng của người dân, du khách Cô Tô mà với các địa phương khác có biển, các xã đảo trong cả nước cùng chung tay để bảo vệ môi trường”, ông Nguyễn Việt Dũng chia sẻ thêm.
Trong thời gian tới, để việc triển khai thực hiện Đề án “Huyện đảo Cô Tô không có rác thải nhựa” (Đề án 175) đạt hiệu quả, UBND huyện Cô Tô tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nghiêm túc triển khai, quán triệt nội dung của Đề án: Nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, yêu cầu cán bộ, đảng viên có trách nhiệm gương mẫu, tiên phong trong việc thực hiện, tuyên truyền, vận động người thân, gia đình và nhân dân thực hiện tốt việc phân loại rác thải tại nguồn, hạn chế sử dụng túi nilon góp phần bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp. Phối hợp trong việc xử lý đối với các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức không chấp hành nghiêm việc phân loại rác và hạn chế sử dụng túi nilon khó phân hủy; đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống thu gom và xử lý rác thải theo quy trình rác đã được phân loại.
Khối Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện tiếp tục, tăng cường phối hợp với Ban quản lý Dịch vụ công ích, Các Công ty vận tải, Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể ở cơ sở tiếp tục tổ chức tuyên truyền tại các khu vực công cộng (bến cảng, khu Trung tâm Thương mại) và tại các hộ dân. Tổ chức tuyên truyền, vận động đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng và thay đổi thói quen sử dụng túi nilon bằng các vật dụng thân thiện, có ý thức phân loại rác thải ngay tại hộ gia đình và thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào “Ngày chủ nhật xanh” và chiến dịch “Hãy làm sạch biển”.
Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn: Tiếp tục chỉ đạo hệ thống chính trị tại địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt nội dung Đề án; giao các cơ quan chuyên môn chủ động tham mưu các phương án thực hiện Đề án một cách có hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; phối hợp theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện phân loại rác tại nguồn và hạn chế sử dụng túi nilon của các đơn vị, cá nhân, hộ gia đình trong thôn/khu dân cư.
Trung tâm Truyền thông và Văn hóa: Xây dựng các chương trình, chuyên đề về các vấn đề môi trường. Duy trì và tăng cường thời lượng phát thanh chuyên mục “Môi trường và đời sống” các nội dung trong đề án phân loại rác tại nguồn và hạn chế sử dụng túi nilon trên đài phát thanh của huyện nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường. Phản ánh kịp thời những cơ quan, đơn vị, hộ dân thực hiện tốt đồng thời phê phán những cơ quan, đơn vị, hộ dân còn hạn chế trong quá trình thực hiện phân loại rác tại nguồn và hạn chế sử dụng túi nilon.
Phòng Văn hóa và Thông tin huyện tuyên truyền vận động các hộ kinh doanh du lịch, đồ ăn, nước uống sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường trong hoạt động kinh doanh.
Phòng Giáo dục và Đào tạo tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án cho cán bộ, giáo viên và học sinh trên địa bàn; tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khóa về môi trường cho học sinh. Phát động phong trào thi đua giữa các trường trong việc thực hiện phân loại rác tại nguồn, hạn chế sử dụng túi nilon, lấy đó làm căn cứ để xếp loại thi đua, khen thưởng cuối năm cho từng đơn vị trường học.
Phòng Tài nguyên - Môi trường và Nông nghiệp huyện thường xuyên kiểm tra, giám sát đối với Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Cô Tô đảm bảo thực hiện nghiêm túc việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sau khi phân loại tại khu dân cư trên địa bàn huyện theo đúng quy trình và đúng lịch đã thông báo với nhân dân; bố trí thùng rác hai màu tại các điểm công cộng phù hợp để phục vụ công tác thu gom rác thải; phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện phân loại rác thải tại nguồn ở từng hộ gia đình trên địa bàn huyện.
Đội Quản lý Thị trường số 2 (bộ phận Cô Tô), Ban Quản lý Dịch vụ công ích, Cảng vụ Cô Tô thường xuyên giám sát, đôn đốc, nhắc nhở và có biện pháp xử lý đối với các hộ kinh doanh không thực hiện đúng cam kết hạn chế sử dụng túi nilon tại Trung tâm Dịch vụ Thương mại (thực hiện sử dụng túi nilon thân thiện với môi trường); kiểm soát tốt đầu vào của nguồn túi nilon khó phân hủy; có kiểm tra, tịch thu, xử phạt đối với các đối tượng kinh doanh, sử dụng nguồn túi nilon không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Khi ra đảo Cô Tô, du khách bớt mang theo 1 sản phẩm sử dụng một lần làm từ nhựa; Sử dụng các sản phẩm sinh học thân thiện với môi trường... những việc làm tưởng chừng nhỏ bé của mỗi người nhưng lại là cách làm thiết thực giúp Cô Tô sạch hơn. Và huyện đảo Cô Tô "không rác thải nhựa" chắc chắn sẽ là điểm đến hấp dẫn giúp du khách lan tỏa tình yêu môi trường, sống có trách nhiệm hơn với thiên nhiên và với chính mình.
Theo Báo Môi trường
Tin tức khác
- Xã Hòa Bình đồng hành cùng nhân dân sau cơn bão số 3 (YAGI) năm 2024
- Xã Hòa Bình khắc phục, sửa chữa nhà ở cho hộ dân bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 (YAGI) gây ra
- Quyết định về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu trung tâm xã Hòa Bình, thành phố Hạ Long
- Rộn ràng Ngày Khai giảng năm học mới 2024-2025!
- Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc xã Hòa Bình năm 2024