Ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực trọng điểm

Trong bối cảnh mới hiện nay, khi chuyển đổi số đang là xu thế chung tất yếu, việc ứng dụng các thành tựu mới của CNTT càng có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Nhận thức được tầm quan trọng đó, việc triển khai ứng dụng và phát triển CNTT trên địa bàn Quảng Ninh đã được quan tâm, triển khai đồng bộ ở các ngành, lĩnh vực của đời sống xã hội và đã mang lại nhiều kết quả tích cực.

 


Giáo viên, học sinh Trường THCS Trần Hưng Đạo (TX Quảng Yên) giảng dạy và học tập tại phòng học thông minh với hệ thống máy tính cài đặt các phần mềm chuyên ngành, có kết nối Internet. Ảnh: Hoàng Anh

Đặc biệt, từ khi có Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 1/7/2014 của Bộ Chính trị khóa XI về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, cùng Chương trình hành động số 33-CTr/TU ngày 27/1/2015 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XIII về thực hiện Nghị quyết số 36, tỉnh Quảng Ninh đã quyết tâm đổi mới mạnh mẽ toàn diện trong lãnh đạo, chỉ đạo; đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT trong tất cả các ngành, lĩnh vực. Trong đó, ưu tiên ứng dụng CNTT đối với hệ thống chính trị và quản lý nhà nước, xây dựng chính quyền điện tử; song song với đó, ưu tiên cho các lĩnh vực liên quan tới doanh nghiệp và người dân, như giáo dục, y tế, giao thông, điện, hạ tầng đô thị...

Là lĩnh vực được coi là “nền móng” cho việc đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới, giáo dục và đào tạo được Quảng Ninh đặc biệt quan tâm, có nhiều giải pháp tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý, dạy học; xây dựng môi trường giáo dục hiện đại dựa trên việc ứng dụng CNTT, hướng tới phát triển tài năng cho các thế hệ trẻ của tỉnh.


Nhân viên Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí sử dụng hệ thống phần mềm Quản lý khám chữa bệnh và thiết bị đọc thông tin thẻ CCCD gắn chíp để làm hồ sơ khám chữa bệnh cho người dân.

Đến nay, 100% đơn vị giáo dục của tỉnh đều có hệ thống máy tính, mạng LAN và mạng Internet tốc độ cao đáp ứng đủ nhu cầu công việc; 100% trường học trên địa bàn tỉnh giảng dạy tin học cho học sinh. Hệ thống hội nghị truyền hình công nghệ cũng đã được cấp đến 100% phòng giáo dục và đào tạo địa phương, 100% trường mầm non, tiểu học, TH&THCS, THCS trên địa bàn có phòng gắn thiết bị trực tuyến để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của ngành và hoạt động chuyên đề, tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Ngành giáo dục và đào tạo cũng đầu tư xây dựng hệ thống quản lý bài giảng e-learning tại địa chỉ http://lv.quangninh.edu.vn với mục tiêu xây dựng một hệ thống soạn, giảng, quản lý bài giảng trực tuyến, từng bước tạo đột phá về ứng dụng CNTT trong giảng dạy và học tập. Phần mềm quản lý trường học trực tuyến tại địa chỉ http://qlth.quangninh.edu.vn cũng đã hoàn thành việc cập nhật hồ sơ điện tử của 100% học sinh, giáo viên trên địa bàn tỉnh; toàn bộ các trường tiểu học, THCS, THPT trong tỉnh đã sử dụng sổ điểm, học bạ điện tử thay thế hoàn toàn văn bản giấy... Đồng thời, ngành cũng đang tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng các thành tựu khoa học, phần mềm CNTT và thiết bị dạy học, sử dụng hiệu quả các phòng học tương tác, phòng học thông minh để tạo sự đổi mới căn bản và toàn diện hoạt động dạy và học.

Trong lĩnh vực y tế - lĩnh vực có ý nghĩa quan trọng, trực tiếp tới việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, chăm lo cho hạnh phúc của người dân, việc ứng dụng CNTT cũng đạt được nhiều thành tựu tích cực. Trong đó nổi bật nhất là việc triển khai xây dựng 3 bệnh viện thông minh (Bệnh viện Bãi Cháy, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Sản Nhi) với hạ tầng CNTT cứng khá đầy đủ, như: Hệ thống máy chủ, máy trạm; hệ thống kết nối toàn bộ các thiết bị; hệ thống đầu đọc mã vạch, thanh toán thuốc, viện phí online... Cùng với đó là hệ thống các phần mềm chuyên môn, như: Quản lý bệnh viện, chuyển tải dữ liệu hình ảnh, nhận và trả kết quả xét nghiệm... 3 bệnh viện thông minh của tỉnh nằm trong số 10 bệnh viện của cả nước được Bộ Y tế công nhận đáp ứng các tiêu chí bệnh án điện tử. Hết quý I/2023, đã có thêm Trung tâm Y tế huyện Hải Hà chính thức triển khai hồ sơ bệnh án điện tử (EMR) thay cho hồ sơ bệnh án giấy.

Ngành y tế cũng đang nhanh chóng triển khai khám, chữa bệnh BHYT bằng thẻ CCCD gắn chíp thay thế thẻ BHYT và liên thông dữ liệu. Đồng thời khởi tạo, cập nhật dữ liệu ban đầu cho người dân trên phần mềm Hồ sơ sức khỏe điện tử tỉnh Quảng Ninh... Tiện ích thanh toán không dùng tiền mặt cũng đã và đang được triển khai rộng khắp ở các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn. Đến nay, 100% cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt; 62% số tiền viện phí tại các bệnh viện, 70% số tiền viện phí tại các trung tâm y tế cấp huyện đã được thanh toán trực tuyến. Việc ứng dụng CNTT đã giúp giải quyết nhanh chóng các TTHC trong lĩnh vực khám chữa bệnh, tiết kiệm thời gian và mang lại sự tiện lợi cho người dân.

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 430